Đại hội Thể thao Đông Nam Á (tiếng Anh: SEA Games hay Southeast Asian Games), là một sự kiện thể thao tổ chức hai năm một lần vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội Thể thao châu Á, với sự tham gia của các vận động viên từ 11 nước trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Những môn thể thao tổ chức trong đại hội do Liên đoàn thể thao Đông Nam Á điều hành với sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á.
Kể từ khi ra đời đến nay, sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với những người yêu thể thao, đồng thời góp phần làm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.
64 năm chặng đường hình thành và phát triển
Cách đây hơn nửa thế kỷ, xuất phát từ quan điểm rằng, những quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng về lối sống, nền văn hóa, khí hậu và cả thể chất con người; cùng có một trình độ căn bản tương đương nhau về thành tích thể thao, nên cần tập hợp lại, hỗ trợ lẫn nhau tổ chức thường xuyên và định kỳ một đại hội thể thao chung có quy mô thích hợp giữa các quốc gia.
Ngày 22/5/1958, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á (viết tắt là SEAP Games Federation) đã được thành lập. Năm 1977, Liên đoàn được đổi tên thành Liên đoàn thể thao Đông Nam Á và Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) được đổi tên là Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Vì vậy, ngày 22/5/1958, đại biểu các nước trong khu vực Bán đảo Đông Nam Á tham dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ III ở Tokyo, Nhật Bản, đã nhóm họp và đi đến thống nhất thành lập một tổ chức thể thao riêng của khu vực, mang tên là Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation, viết tắt là SEAP Games Federation), với mục đích tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; không ngừng nâng cao thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao; tạo điều kiện cho vận động viên các nước trong khu vực rèn luyện và thi đấu nhằm tham gia tốt hơn tại các Đại hội thể thao châu Á và Đại hội Olympic.
Quốc kỳ của đoàn thể thao Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á chính thức tung bay tại SEA Games 25. (Ảnh: TTXVN)
Phiên họp đầu tiên của Liên đoàn thể thao bán đảo Đông Nam Á được tổ chức vào ngày 5/6/1959 tại Hội trường Santidhama ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đã thông qua điều lệ và bầu Ban chấp hành của Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Thái Lan Prabhas Charustiara được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn, các Ủy viên gồm đại biểu các nước Campuchia, Lào, Malaysia, Burma (nay là Myanmar), Thái Lan và Việt Nam.
Các nước tham dự phiên họp đầu tiên này được gọi là nước sáng lập viên của Liên đoàn. Cũng tại phiên họp đầu tiên của Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á, biểu tượng của Liên đoàn được chấp thuận là 6 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau, tượng trưng cho 6 thành viên sáng lập.
Đại biểu các nước cũng đã quyết định sẽ tổ chức SEAP Games 2 năm/1 lần vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội thể thao châu Á. Những môn thể thao tổ chức tại một kỳ đại hội do Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á quyết định, đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á.
Hội đồng của Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á là cơ quan quyền lực cao nhất của Liên đoàn, có thẩm quyền quyết định mọi công việc của Liên đoàn như chương trình đại hội, thời gian tiến hành đại hội, thành phần đăng cai đại hội.
Mỗi nước thành viên có quyền cử từ 1 đến 3 người tham gia Hội đồng Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á. SEAP Games lần đầu tiên được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 12 đến 17/12/1959 với sự tham dự của 527 vận động viên thuộc các quốc gia Thái Lan, Burma (nay là Myanmar), Malaysia, Campuchia, Lào và Việt Nam, tranh tài ở 12 môn thể thao.
Năm 1965, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á kết nạp thêm thành viên là Singapore sau khi Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia để thành lập một quốc gia độc lập. Tiếp đó, tại SEAP Games lần thứ 8 tổ chức năm 1975 tại Bangkok, Thái Lan, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đã xem xét kết nạp thêm Indonesia và Philippines.
Hai nước này chính thức được kết nạp năm 1977 và cùng năm đó Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đổi tên thành Liên đoàn thể thao Đông Nam Á và Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) được đổi tên là Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Năm 1979, Brunei được kết nạp vào Liên đoàn thể thao Đông Nam Á tại SEA Games lần thứ 10 tổ chức tại Jakarta, Indonesia. Đến Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 20 (năm 1999) tổ chức ở Brunei, Hội đồng Olympic Brunei đề nghị sửa đổi biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á từ 6 vòng tròn thành 10 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau.
Lá cờ Liên đoàn thể thao Đông Nam Á có nền màu xanh, gồm những vòng tròn kết vào nhau nhằm gửi đi thông điệp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia thành viên. Tại SEA Games 22 tổ chức năm 2003 tại Hà Nội (Việt Nam), Đông Timor là quốc gia cuối cùng tham gia vào SEA Games.
Tại SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar, biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á tiếp tục được sửa đổi từ 10 vòng tròn thành 11 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau. Kể từ đó biểu tượng 11 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau tượng trưng cho tình đoàn kết, tình yêu thương giữa các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á được lấy làm biểu tượng chính thức cho Liên đoàn thể thao Đông Nam Á.
Trải qua 63 năm kể từ khi thành lập, ngày nay, Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vẫn luôn là một sự kiện thể thao lớn của khu vực.
Tính cả kỳ SEA Games 31 (năm 2022), Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia có số lần tổ chức SEA Games nhiều nhất với 6 lần; Singapore, Indonesia và Philippines xếp thứ hai với 4 lần tổ chức SEA Games; Myanmar xếp thứ ba với 3 lần tổ chức; Việt Nam với 2 lần tổ chức; những quốc gia tổ chức 1 lần là Brunei và Lào.
Việt Nam – thành viên tích cực trong xây dựng và phát triển nền thể thao Đông Nam Á
Đoàn thể thao Việt Nam đã tham dự SEA Games từ những ngày đầu thành lập. Trong đó, thời kỳ trước năm 1975, miền Nam Việt Nam trước đây đã là một trong những thành viên sáng lập Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á và liên tục đưa đoàn thể thao tham dự từ Đại hội lần thứ nhất (năm 1959) đến Đại hội lần thứ 7 (năm 1973).
Từ chỗ tham dự với mục tiêu hòa nhập, học hỏi bạn bè quốc tế, giờ đây thể thao Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 4 khu vực, và đứng thứ nhất ở kỳ SEA Games 22 (với tư cách là nước chủ nhà). Riêng kỳ SEA Games 25 và SEA Games 30, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng tổng kết. SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12-23/5/2022 đánh dấu mốc lần thứ hai Việt Nam có vinh dự được làm nước chủ nhà.
Thời kỳ sau năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, trải qua một thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã từng bước tham gia trở lại vào sinh hoạt chung của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Năm 1989, sau 13 năm (từ SEAP Games 8-năm 1975 đến SEA Games 14-năm 1987 không tham dự), đoàn thể thao Việt Nam đã hòa nhập trở lại đấu trường khu vực (SEA Games 15-năm 1989).
Từ chỗ thể thao Việt Nam tham dự với mục tiêu hoà nhập, học hỏi bạn bè quốc tế, giờ đây, thể thao Việt Nam đã có thể tự tin bước vào các trận thi tài quốc tế, đặc biệt là một số môn võ thuật. Tham dự SEA Games, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng từng bước được nâng dần lên.
Nếu như tại SEA Games lần thứ 15, 16, đoàn Thể thao Việt Nam còn xếp thứ 7 khu vực, thì đến SEA Games 21, đoàn Thể thao Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 4 khu vực, và đứng thứ nhất ở kỳ SEA Games 22 (với tư cách là nước chủ nhà). Kể từ đó đến nay, đoàn thể thao Việt Nam luôn giữ vững vị trí thứ 3 trong các bảng tổng kết huy chương. Riêng kỳ SEA Games 25 và SEA Games 30, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng tổng kết.
Năm 2022, Việt Nam vinh dự lần thứ hai là nước chủ nhà tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Theo kế hoạch ban đầu, SEA Games 31 được tổ chức từ ngày 21/11 đến 2/12/2021, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sự kiện thể thao lớn của khu vực đã được lùi thời gian tổ chức lại và sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12 đến 23/5/2022.
Cho tới thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đều đã được Ban tổ chức, các đơn vị liên quan gấp rút triển khai, thực hiện nhằm đảm bảo đúng tiến độ.
Với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, Việt Nam mong muốn tổ chức một kỳ SEA Games 31 thành công và gửi đi thông điệp đến Chính phủ và người dân các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về sự phát triển, đoàn kết, cùng nhau xây dựng Cộng đồng ASEAN hùng cường, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của ASEAN trên trường quốc tế./.