Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 4.924,025 km, tiếp giáp với 3 nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia; có bờ biển dài hơn 3.260 km, với vùng biển rộng hơn một triệu km2, tiếp giáp với hải phận quốc tế và vùng biển các nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei; có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa.
Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, biên cương luôn là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá của ông cha truyền lại cho con cháu.
Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trước đây là Công an Nhân dân Vũ trang, được thành lập ngày 03 tháng 3 năm 1959. Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
I. 63 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
1. Sự ra đời của lực lượng Bộ đội Biên phòng
Ngay sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa:
- Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an, thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, bố trí thành các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới.
- Cảnh sát Vũ trang thuộc Bộ Công an được thành lập theo Nghị định số 982/TTg ngày 28/7/1956 của Chính phủ, làm nhiệm vụ bảo vệ các trại giam, tham gia tiễu phỉ, trừ gian.
- Trung đoàn Tây Bắc bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào, Đại đoàn 350 (Sư đoàn 350) làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng ở miền Bắc và Tiểu đoàn 25 (sau này là Tiểu đoàn 41) làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời.
Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Ngày 03 tháng 3 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang.
Nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia (BGQG), bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh (QP,AN) đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước; ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Ngày 11/11/2020, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành biểu quyết và thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với số phiếu tán thành là 94,61% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng
- Xây dựng phòng tuyến nhân dân, tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa (1959 - 1965).
- Bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, vừa tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam (1965 - 1975).
- Quản lý, bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia (1975 - 1986).
- Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác biên phòng, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới (1986 đến nay).
Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, BĐBP đã làm tốt công tác vận động quần chúng góp phần đem đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc biên giới, gắn công tác tuyên truyền, vận động với triển khai các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở. Triển khai nhiều mô hình, chương trình, phong trào tiêu biểu với cách làm sáng tạo trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo địa bàn biên giới vững mạnh, như: Thầy giáo quân hàm xanh, nâng bước em tới trường; Chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh; Cán bộ biên phòng tăng cường xã; Đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản; Điểm sáng văn hóa vùng biên; Trạm quân dân y kết hợp; Lớp học tình thương; Mái ấm cho người nghèo và chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo; Nghĩa tình đồng đội nơi biên giới; Bò giống cho người nghèo nơi biên giới; Xuân biên phòng ấm lòng dân bản; Ba bám, bốn cùng; BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới và tham gia xóa đói, giảm nghèo khu vực biên giới; Bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Hãy làm sạch biển; Cán bộ biên phòng học tiếng dân tộc, ngôn ngữ nước láng giềng; Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trồng cây chủ quyền biên giới; Tay kéo Biên phòng; Cụm phát thanh vùng biên; Thư viện, tủ sách, phòng đọc biên giới…
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đề ra các chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ biên giới một cách cơ bản, toàn diện. Ban hành Chỉ thị số 34/CT-BTL ngày 24/6/2003 về “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân trên phạm vi cả nước. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã một lòng, một dạ vì dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân trong chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục có hiệu quả những thiệt hại về thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng luôn in đậm trong lòng nhân dân cả nước; luôn được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình như con em ruột thịt, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp BĐBP hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ Công an Nhân dân Vũ trang - BĐBP, trong thời kỳ đổi mới đã xuất hiện nhiều những tấm gương tiêu biểu của các tập thể, cá nhân, dũng cảm “Vì nhân dân quên mình” trong đấu tranh chống tội phạm, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo...được đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo và nhân dân cả nước mãi mãi ghi nhận, góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống anh hùng của BĐBP. Tiêu biểu là các tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Các Anh hùng liệt sỹ: Nguyễn Cảnh Dần, Và Bá Giải, Phạm Xuân Phong (BĐBP tỉnh Nghệ An), Phạm Văn Điền (BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế), Lù Công Thắng (BĐBP tỉnh Sơn La)…
3. Những phần thưởng cao quý và những nét tiêu biểu của truyền thống BĐBP
Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, góp phần giữ ổn định lâu dài biên giới quốc gia, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc và của các lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn lực lượng đã 2 lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
4. Một số nét tiêu biểu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tháng 3 năm 1961, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban bảo vệ an ninh Quảng Nam - Đà Nẵng trên cơ sở kiện toàn Ban Bảo vệ Đảng. Ngay trong tháng 3/1961, Ban bảo vệ An ninh, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đã mở khóa huấn luyện nghiệp vụ An ninh đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ; giáo viên tập huấn là các đồng chí cán bộ Công an và Công an Nhân dân Vũ trang từ Miền Bắc vào trong đợt chi viện đầu tiên (lớp tổ chức tại làng BLô Hiền, Huyện Hiên), nay là thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang.
Tháng 5 năm 1961, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Trưởng ban Bảo vệ an ninh đã trực tiếp đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng (lúc đầu gọi là Tổ cảnh vệ). Sau khi được Tỉnh ủy phê duyệt, ngày 19/5/1961- Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh - lễ ra mắt đơn vị tiền thân của An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng được tổ chức đơn giản, nhưng hết sức trang trọng, thiêng liêng tại Làng BLô Hiền, huyện Hiên (nay là thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Quân số của Tổ cảnh vệ (đơn vị tiền thân của An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng) lúc mới thành lập có 7 đồng chí, đồng chí Đinh Ngọc Cân được giao làm Tổ trưởng và các đồng chí: Trần Ngọc Lánh, Phan Văn Dưỡng, Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Hy và đồng chí Alăng Bụp người dân tộc Cơ Tu huyện Hiên làm thành viên.
II. 33 NĂM THỰC HIỆN NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN
1. Sự ra đời của ngày Biên phòng toàn dân
Biết dựa vào dân, chăm lo sức dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là bài học quý báu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh nhân dân “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu và kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22/02/1989 về tổ chức Ngày Biên phòng trong cả nước, bắt đầu từ ngày 03/3/1989. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, động viên giáo dục nhân dân và các tầng lớp xã hội hướng về biên giới, giúp đỡ nhân dân biên giới xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Ngày 17/6/2003, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật Biên giới Quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 03/3 hàng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.
2. Kết quả ngày Biên phòng toàn dân
Qua 33 năm triển khai thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ngày càng vững mạnh. Ngày 03-3 hàng năm đã trở thành ngày Hội động viên đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo và nhân dân cả nước tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới vững mạnh. Đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND các tỉnh, thành phố và quận, huyện tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương.
Đối với tỉnh Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum. Khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh có những nét đặc thù, vừa có biên giới đất liền, vừa có biển và đảo. Tuyến bờ biển, đảo dài 125 km, có 02 xã đảo (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An và xã Tam Hải, huyện Núi Thành) đi qua 3 huyện, 1 thị xã, 2 thành phố, có 16 xã phường, 199 thôn, khối phố, với 41.839 hộ/158.043 khẩu, chủ yếu là dân tộc Kinh. Tuyến biên giới đất liền tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) - Sê Kông/Lào dài 157,422 km, đi qua 2 huyện, 14 xã, có 82 thôn, với 5.538 hộ/22.539 khẩu, chủ yếu là dân tộc Cơ tu, Giẻ triêng (Ve, Tà riềng). Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng khá, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân được chú trọng.
Nhìn lại chặng đường 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP, 33 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nhận rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cùng toàn đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện hiệu quả Ngày Biên phòng toàn dân, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.